Từ 9-5 đến sự nghiệp freelancer bền vững của Hải Dương: "Làm ít - được nhiều, nhưng phải kiên trì"
“Freelancer không màu hồng. Hãy loại bỏ kỳ vọng thu nhập 50-100 triệu/ tháng, chủ động lên kế hoạch phát triển bản thân một cách thực tế và kiên trì hành động”.
4 năm làm tự do, Hải Dương hiện đang sở hữu “gia tài” đồ sộ với hơn 3.000 viết bài trên blog, fanpage và các kênh khác. Đồng thời, chị cũng là tác giả của 5 cuốn sách và là mentor hướng dẫn viết cho hơn 500 học viên.
Hải Dương không chỉ truyền cảm hứng qua những bài viết chất lượng mà còn qua hành trình dấn thân từ công việc văn phòng ổn định sang thế giới tự do đầy thử thách.
Gặp Hải Dương vào một buổi chiều tháng 5 qua màn hình Zoom, mình được dịp hiểu hơn về câu chuyện của chị. Và hôm nay, mình muốn kể lại cho bạn câu chuyện đó – một hành trình không chỉ có thành công mà còn đầy những nỗi sợ, hoài nghi và bài học đáng giá.
Khởi đầu: Khi “văn phòng” không còn là đích đến
Trước khi trở thành freelancer, Hải Dương từng có 3 làm việc năm tại một công ty ứng dụng trò chơi. Công việc chính của chị là hỗ trợ xây dựng nội dung fanpage để kéo traffic - giúp chị học được cách viết lách và thiết kế cơ bản. Nhưng dần dà, Hải Dương cảm thấy mình không còn học hỏi được gì mới, chị quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác.
Một thời gian sau, chị tiếp tục làm việc tại một công ty khác ở vị trí content marketing, nhưng càng làm, Hải Dương càng chắc chắn rằng môi trường văn phòng không dành cho mình.
“Mình nghỉ việc ngay trước thời điểm Covid, không hẳn vì một khoảnh khắc ‘eureka’ mà là một quá trình suy nghĩ dần dần” - chị chia sẻ. “Mình học báo chí, nên vốn đã có kỹ năng viết. Nhưng làm việc ở văn phòng, mình cứ thấy ‘sai sai’. Không có leader hướng dẫn, không biết nội dung mình làm có hiệu quả hay không nên lúc nào cùng trong tình trạng hoang mang, mơ hồ. Mình không thích drama công sở, cũng không muốn tiếp tục một công việc mà bản thân không thấy phát triển.”
Thời gian nghỉ việc, Hải Dương thử sức với nhiều sở thích như thêu thùa, học tiếng Anh, thậm chí định hướng kinh doanh. Nhưng chị nhanh chóng nhận ra đó chỉ là những sở thích tạm thời, không phải đam mê dài hạn. Chị quyết định thử sức với con đường freelancer – một lựa chọn đầy rủi ro nhưng cũng mở ra cơ hội để tự định hình tương lai.
Bước ra khỏi vùng an toàn không phải một quyết định dễ dàng, vậy nỗi sợ lớn nhất của chị khi chuyển từ 9-to-5 sang freelancer toàn thời gian là gì? - “Sợ không có tiền, thu nhập bất ổn” - Hải Dương thẳng thắn.
Dù có nền tảng học báo chí và đã từng viết khá tốt, nhưng Hải Dương thừa nhận giai đoạn đầu làm freelancer là khoảng thời gian “đen kịt”: “Suốt 11 tháng mình không có job. Mỗi ngày đều thức dậy trong sự mù mịt, hoài nghi bản thân, không biết liệu mình có đang đi đúng đường hay không.”
Bước ngoặt: Từ dự án đầu tiên đến vai trò writing mentor
Hành trình freelancer của Hải Dương chính thức bắt đầu sau một thời gian dài chăm chỉ chia sẻ nội dung trên các group cộng đồng viết lách. Chị được một người trong ngành nhớ tên và liên hệ làm việc cùng trong dự án viết SEO về ô tô điện.
“Bài viết từ 1000-1200 từ, giá 80 nghìn đồng. Mình làm dự án này trong 8 tháng, may mắn gặp được bạn leader làm việc rất chuyên nghiệp. Nội dung của mình được feedback và chỉnh sửa cực chi tiết, nhờ đó mình học được cách làm việc chuẩn chỉnh và chuyên nghiệp” - chị kể lại. Dự án này không chỉ mang lại thu nhập mà còn là động lực để Hải Dương tiếp tục hành trình của mình. “Mình vui lắm, cảm giác như được công nhận”.
Nhưng 6 tháng đầu tiên không hề dễ dàng. Ban đầu, vì chưa biết cách quản lý thời gian nên chị thường xuyên rơi vào tình trạng burn-out. “Mình tham lam, đăng ký viết nhiều để chạy theo số lượng, nhưng không đủ thời gian nên không thể đảm bảo chất lượng nội dung. Mình nhận ra không nên làm quá sức, vì nó ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cả sức khỏe của bản thân”. Bài học này đã giúp chị định hình lại cách làm việc đến tận hôm nay: tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng.
Giai đoạn khó khăn nhất là khi kỹ năng viết thương mại còn hạn chế, những feedback từ khách hàng khiến Hải Dương nghi ngờ bản thân. Dẫu vậy, chị vẫn không ngừng viết một ngày nào. Vì với chị, viết là một hành trình quay về, là cách để hiểu mình, hiểu người và kết nối với thế giới - không phải qua hình ảnh hào nhoáng, mà bằng sự chân thành.
Sau hơn 10 tháng viết, blog duongstory.com của Hải Dương đạt được 50,000 view đầu tiên. Chị nhận ra tiềm năng của blog trong việc xây dựng dấu ấn cá nhân và bắt đầu lập kế hoạch viết bài một cách khoa học, có kế hoạch và chỉn chu hơn. Nhờ đó, Hải Dương có một lượng lớn độc giả - là các bạn newbie theo dõi website và liên hệ hỏi về khóa học của chị.
“Mình quyết định mở lớp kèm 1:1 miễn phí cho 10 bạn. Sau khi nhận được nhiều feedback tốt, mình quyết định mở lớp thu phí”. Đây cũng là bước ngoặt giúp Hải Dương nhận ra tiềm năng của mình trong vai trò writing mentor, bên cạnh việc làm nội dung cho khách hàng doanh nghiệp.
Hiện tại: Thu nhập tăng gấp 4 lần, làm ít - được nhiều
Sau 4 năm làm tự do, Hải Dương dần chuyển đổi từ việc viết content website & social media cho doanh nghiệp sang mentoring hướng dẫn viết lách, chấp bút và biên tập sách.
“Hai năm trước, mình tham gia mọi buổi workshop về viết lách hay offline chia sẻ về nghề tự do”, Hải Dương kể. “Nhờ đó, mình biết đến chấp bút sách – công việc mơ ước với thù lao hấp dẫn. Mình từng háo hức hoàn thành bài test lúc 1 giờ sáng, nhưng không nhận được phản hồi vì kỹ năng chưa đủ. Khi ấy, mình nghĩ mình không thể làm được công việc này.”
Tuy nhiên, sự “lì lợm” đã giúp Hải Dương không bỏ cuộc. “Mình viết hằng ngày suốt 3 năm, xây dựng nội dung trên Facebook và website duongstory.com. Năm 2022, một khách hàng thuê mình viết content cho Facebook, và đến năm 2024, mình ký hợp đồng chấp bút sách với một khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Họ tìm đến mình qua các bài viết trên Google, đọc nội dung trên website và chủ động liên hệ qua email”.
Những bài viết với từ khóa như “xuất bản sách” hay “quy trình xuất bản sách” trên duongstory.com lọt top 10 tìm kiếm, mang về không chỉ khách hàng chấp bút mà còn hơn 10 ca tư vấn xuất bản trong 2 tháng. Website cá nhân của Dương không chỉ được xem là một portfolio, mà còn là công cụ kể chuyện, từ storytelling đến storyselling, giúp khách hàng chủ động tìm đến. “Từ năm 2023, mình không cần đi tìm khách hàng nữa. Họ tự tìm đến, từ CEO, bác sĩ đến các cá nhân muốn chấp bút sách”.
Tháng 5 vừa qua, Hải Dương cùng các đồng nghiệp đã chính thức ra mắt “án thư” – một dự án hỗ trợ truyền thông sách, chấp bút và tư vấn xuất bản. Chỉ sau 2 tuần ra mắt, “án thư” đã có 2 khách hàng mới. “Đó không phải may mắn, mà là kết quả của chiến lược bài bản, nội dung chất lượng và website được tối ưu,” chị nhấn mạnh.
So với thời làm việc văn phòng, thu nhập của chị đã tăng gấp 2 đến 4 lần. “Thu nhập không cố định, nhưng mình tăng giá dịch vụ theo năng lực và giá trị mang lại. Ví dụ, phí viết content web của mình đã tăng từ 80 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng”. Bí quyết để xây dựng thu nhập ổn định, theo Hải Dương, là nâng cao chất lượng chuyên môn và định giá dựa trên giá trị mang lại cho khách hàng. “Khách hàng của mình chủ yếu đến từ website cá nhân. Mình có nguyên tắc không giảm giá, nhưng nếu khách có ngân sách thấp, mình sẽ chủ động đề xuất giải pháp khác hoặc giới thiệu người phù hợp hơn”.
Khi được hỏi, điều gì khiến chị nổi bật giữa hàng ngàn freelancer khác? Hải Dương chia sẻ: “Kiên trì xuất hiện đều đặn trên website và Facebook, cùng với sự chân thành”. Chị không chạy theo các content viral truyền cảm hứng, không tô hồng hành trình tự do. Với chị, viết và sống bằng việc viết – là một sự thực tế nghiêm túc, không màu mè.
“Freelancer không màu hồng”
Nhìn lại hành trình của mình, Hải Dương chia sẻ rằng nếu được quay lại, cô sẽ không làm gì khác đi. “Mỗi dự án là một bài học giúp mình hiểu hơn về bản thân. Chẳng hạn, chấp bút sách giúp mình ‘hóa thân’ vào nhân vật, học cách nhẫn nhịn và hạ cái tôi để làm việc tốt hơn.”
Với những người đang cân nhắc con đường freelancer, theo chị có 3 kỹ năng quan trọng cần chuẩn bị:
1. Kỹ năng viết - là nền tảng để tạo ra nội dung chất lượng, giúp xây dựng uy tín và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực content marketing.
2. Lập kế hoạch phát triển kênh cá nhân - giúp freelancer tự quảng bá bản thân, thu hút khách hàng mà không phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng bên ngoài.
3. Làm việc nhóm hiệu quả - đảm bảo giao tiếp hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ hay chất lượng công việc của các bên liên quan, đặc biệt khi làm việc từ xa.
Làm việc tự do, điều khó khăn nhất là duy trì động lực khi không còn ai quản lý hay thúc đẩy. Để đảm bảo sản xuất nội dung đều đặn trên website, Facebook cá nhân và group cộng đồng, Hải Dương cho biết: “Mình không tìm động lực từ phim ảnh hay bài viết truyền cảm hứng. Mình nhìn vào thu nhập từ sức lao động của mình và thấy được tiềm năng dài hạn. Thời gian thất nghiệp, mình từng cảm thấy bế tắc, tự ti. Nên bây giờ, mình lên kế hoạch để duy trì công việc, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và không để gia đình lo lắng”.
Nếu phải tóm lại bí quyết thành công của mình chỉ trong một câu, Hải Dương chia sẻ: “Freelancer không màu hồng. Hãy loại bỏ kỳ vọng thu nhập 50-100 triệu/ tháng, chủ động lên kế hoạch phát triển bản thân một cách thực tế và kiên trì hành động”.
Với mình, câu chuyện của Hải Dương không chỉ là về sự thành công mà còn về sự kiên nhẫn, học hỏi không ngừng và lòng tin vào giá trị của bản thân.
Cảm ơn chị Hải Dương đã chia sẻ hành trình đầy cảm hứng này. Chúc chị tiếp tục gặt hái thành công với “án thư” và những dự án mới trong tương lai!